Nông lịch

THÁNG 5

Các ngày tiết: Lập hạ (Sang hè): 05/5/2022 (05/4 - Nhâm Dần)

                      Tiểu mãn (Kết hạt): 21/5/2022 (21/4 - Nhâm Dần)

I. Khí tượng - Thuỷ văn

1. Khí tượng

Là tháng đầu mùa hè, khả năng xuất hiện khoảng từ 2 - 3 đợt nắng nóng diện rộng (mỗi đợt kéo dài từ 2 -3 ngày), trong đó có những ngày nắng nóng gay gắt, xen kẽ những đợt mưa rào và dông. Nhiệt độ không khí trung bình 26 - 270C, nhiệt độ cao nhất khoảng 37- 390C, nhiệt độ thấp nhất khoảng 19 - 210C. Tổng lượng mưa 180 -230mm, trong đó có từ 1 - 2 đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Độ ẩm không khí trung bình 82 - 87%, thấp nhất 50 - 55%. Tổng lượng bốc hơi 70 - 90mm. Tổng số giờ nắng 150 -170 giờ. Cần đề phòng tố lốc, sét đánh và gió giật mạnh.

2. Thuỷ văn  

Trên các triền sông suối có khả năng xuất hiện lũ sớm đầu mùa với biên độ lũ từ 1,0 - 2,0m. Mực nước trong tháng lớn hơn cùng kỳ năm 2021. Trên sông Cầu phía hạ lưu Thủy điện Thác Giềng 1 mực nước dao động trong ngày theo điều tiết của thủy điện với biên độ từ 0,7-1,3m. Cần tăng cường công tác phòng tránh lũ quét và sạt lở đất.

Dự báo mực nước sông Cầu tại các trạm đo:

- Bắc Kạn: Mực nước cao nhất khoảng 131,50m, thấp nhất khoảng 130,15m.

- Thác Giềng: Mực nước cao nhất khoảng 95,60m, thấp nhất khoảng 94,08m.

- Chợ Mới: Mực nước cao nhất khoảng 52,00m, thấp nhất khoảng 50,45m.

II. Kỹ thuật nông nghiệp

1. Trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Cây lúa xuân: Chăm sóc và chú ý phòng trừ bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông...

- Chuẩn bị đất, phân bón, giống để sản xuất lúa vụ mùa. Sử dụng các giống lúa thuần như Bao thai, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Hà Phát 3, HT1, nếp 97, khẩu nua lếch...; các giống lúa lai như: Nhị ưu 838, Sán ưu 63, Việt lai 20...

Gieo mạ mùa sớm trung tuần tháng 5. Cấy khi mạ được từ 2-3 lá.

- Cây ngô xuân: Chăm sóc, bón thúc lần 1 cho ngô trồng đất đồi (khi cây ra 3 - 4 lá); chú ý phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bắp, bệnh đốm lá, bệnh thối thân...

- Cây thuốc lá: Thu hoạch.

- Các cây trồng: Dong riềng, khoai môn, gừng, nghệ... tiếp tục chăm sóc và chú ý phòng trừ bệnh cháy lá, thối thân hại dong riềng, sâu khoang hại khoai môn, bệnh cháy lá hại gừng...

- Thu hoạch, lạc, đậu tương, khoai lang vụ xuân.

- Cây ăn quả: Chăm sóc, làm cỏ, bón phân lần 2 và chú ý phòng trừ sâu đục thân, đục gốc, đục cành, nhện đỏ, nhện rám vàng, bệnh vàng lá thối rễ gây hại trên cây cam quýt, bệnh thán thư hại hồng không hạt, sâu róm, sâu đục thân, bệnh nứt thân chảy nhựa, hại mơ mận, đào, lê...; thu hoạch chế biến mơ, mận...

- Cây chè: Chăm sóc, bón phân, làm cỏ, xới xáo đất; chú ý phòng trừ rầy xanh, nhện đỏ, sâu chùm, bệnh phồng lá chè...

2. Chăn nuôi thú y - Thuỷ sản

- Kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; theo dõi, xử lý kịp thời khi dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và có nguy cơ lây lan ra diện rộng như: Bệnh Lở mồm long móng gia súc; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; bệnh dịch tả lợn Châu Philép tô trên đàn lợn; bệnh tụ huyết trùng gia súc, gia cầm; bệnh neucatson gà, dịch tả vịt...

- Tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi; đánh giá kết quả tiêm phòng đợt I.

- Phối giống cho gia súc, gia cầm sinh sản. Hướng dẫn hộ chăn nuôi tái đàn vật nuôi phát triển sản xuất đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

- Bổ sung thêm phấn ong, vitamin để chăm sóc tốt đàn ong

- Thủy sản: Tiếp tục ương nuôi cá; thả cá, tôm giống, chăm sóc cá giống mới thả; chú ý phòng bệnh trùng mỏ neo, bệnh trùng bánh xe, bệnh đốm đỏ và xuất huyết ở cá trắm.

III. Lâm nghiệp

1. Lâm sinh

- Chăm sóc cây giống trong vườn ươm, lưu ý phòng trừ sâu, bệnh hại đối với cây lát, xoan, thông, tông dù, quế...; chủ động xuất vườn cây giống khi đủ tiêu chuẩn trồng rừng.

- Đẩy mạnh trồng rừng, tiếp tục chăm sóc và bảo vệ rừng trồng năm 2, 3, 4.

- Bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên; bảo vệ măng, nứa, vầu.

- Phòng trừ sâu đo hại quế, châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, sâu ong hại cây mỡ

2. Khai thác, chế biến

- Thực hiện khai thác, chế biến gỗ rừng trồng tập trung, cây trồng phân tán, khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (nếu có).

IV. Thuỷ lợi và phòng chống thiên tai

- Tiếp tục kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa nước; quản lý tốt nguồn nước tưới, chủ động chống hạn đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi, hoàn thành các hạng mục dưới nước và vượt lũ trước ngày 10/5.

- Triển khai, thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án được phê duyệt.

V. Y tế - Dược liệu

- Gieo trồng: Ba kích, Cúc hoa vàng, Dành dành, Địa liền.

-    Thu hoạch: Ba chẽ, Bồ công anh, củ Bình vôi, Cỏ sữa lá nhỏ, Cúc tần, Cốt toái bổ, Đảng sâm, Hạ khô thảo, Hy thiêm, Hoắc hương, Hoa Hoè, Hương nhu, Ích mẫu, hạt Thầu dầu, Kinh giới, lá Mã đề, Nhân trần, rễ cây Gai, rau Sam, Sài đất, Phèn đen, Ngưu tất, lá Sim, lá Tía tô, vỏ Quế.

-    Phòng, chống dịch bệnh liên quan đến mùa hè như tiêu chảy do virut Rota, bệnh tả, lỵ, thương hàn, bệnh tay - chân - miệng,sốt phát ban nghi sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não do mô cầu, viêm não vi rút, bệnh ho gà, thủy đậu, bệnh đau mắt đỏ, say nắng, say nóng, bệnh dại, bệnh do liên cầu ở lợn, ngộ độc thực phẩm.

-    Biện pháp phòng, chống: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt lưu ý ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn bị ôi thiu, mốc, hỏng; uống nhiều nước, khơi thông cống rãnh nhằm hạn chế sự phát triển và sinh trưởng của bọ gậy.

-    Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá và ngày Thế giới không thuốc lá (25/5-31/5) và Ngày phòng, chống Tăng huyết áp Thế giới (17/5) bằng các hình thức như kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp để “biết chỉ số huyết áp của bạn”, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi, chế độ luyện tập hợp lý.